Gạch xây truyền thống gây ô nhiễm môi trường

Các loại vật liệu xây dựng truyền thống gây ra những hệ luỵ như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường…

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Tổ chức sáng tạo Xanh Green ID vừa tổ chức hội thảo “Vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường: Thực trạng và giải pháp”. Số liệu thống kê từ Hội VLXD Việt Nam, trong những năm gần đây, tổng diện tích trung bình của tầng xây dựng mới là khoảng 80 – 90 triệu m2 mỗi năm. Hầu hết các công trình xây dựng vẫn sử dụng các loại VLXD truyền thống, đặc biệt là gạch đất sét nung với sự gia tăng mạnh về số lượng tiêu thụ.

Theo tính toán, cứ 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp. Việc dùng than làm nhiên liệu đốt gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên, nếu đáp ứng nhu cầu này sẽ tiêu tốn từ 50 – 70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ hết 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

“Rõ ràng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người. Cần phải có giải pháp để tìm ra loại VLXD để dần thay thế loại VLXD truyền thống này” – PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nói.

Cũng theo ông Tuấn, trước những áp lực từ việc sản xuất VLXD truyền thống, hiện nay ngành xây dựng cần nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào sử dụng nhiều loại VLXD thân thiện với môi trường, thông qua quy trình chưng áp mà không phải nung bằng nhiên liệu đốt…

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *